Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

TÌNH THƯƠNG YÊU


Xã hội hiện tại không chỉ có vật chất dồi dào, mà còn có cả những người trí thức tiến bộ, những nhà văn kiệt xuất, những diễn giả tài năng, những triết gia, những chuyên gia tâm lý, những nhà khoa học, những bậc chân tu làm cố vấn, những nhà thơ tài hoa và những nhà lãnh đạo rất tài ba. Mặc dù vậy, thế giới hiện tại vẫn chưa có sự thanh bình và an vui thực sự. Một vài thứ vẫn còn thiếu thốn, như là lòng thương yêu và sự thiện chí ở trong tâm mỗi người.
Vật chất do con người tạo ra, tự thân chúng không thể đem đến hạnh phúc và thanh bình miên viễn cho con người. Sự thanh bình phải được tạo lập ngay trong chính tâm hồn của mình trước khi có thể đem thanh bình đến cho người khác và cho toàn xã hội. Để rèn luyện lòng thương yêu, trước hết chúng ta phải rèn luyện những nguyên tắc cao quý của sự bất bạo động và phải luôn sẵn sàng chống lại thói ích kỷ, đồng thời chỉ cho người khác nhận thấy được con đường đúng đắn mà chúng ta đang theo. Sự đấu tranh ở đây không có nghĩa là đấu tranh với cơ thể vật lý này, bởi vì sự đồi bại của một con người không phải ở nơi thân thể mà là ở trong tâm hồn. Sự trả đũa làm cho tính đồi bại của con người nặng thêm. Để có được tình thương yêu, mỗi chúng ta cần phải từ bỏ thói ích kỷ. Phần lớn tình thương yêu của con người là đều có xu hướng vị kỷ. Chúng ta thương yêu người khác vì chúng ta muốn được người khác thương yêu mình. Con người nên tập thương yêu với tình thương không vị kỷ để duy trì sự bình an đích thực và để tự cứu lấy chính mình. Việc tự tử làm hủy hoại thân thể, cũng như thế, thói ích kỷ sẽ làm trở ngại sự tiến bộ tâm hồn. Một người có tình thương vị kỷ thì chỉ quan tâm đến việc người khác làm cho mình hài lòng như thế nào mà không hề quan tâm đến những mong muốn, cũng như những cảm giác của người kia. Sự ghen ghét luôn là dấu hiệu của tình thương vị kỷ. Tình thương không vị kỷ là tình thương mà một người dành cho người khác bởi những điều tốt đẹp nơi người ấy – cha mẹ rất mực yêu thương con. Cách thức để nuôi dưỡng tình thương yêu, để tình thương yêu lớn dần lên là thông qua việc tư duy sâu sắc về những điều xấu xa của sự ghen ghét, những ích lợi của sự không ghen ghét và thông qua sự tư duy về thực tại. Sự căm hờn là một hình thức xấu của tình cảm, nó làm cho chúng ta ngày càng lún sâu vào nơi tăm tối, làm chúng ta thiếu đi sự sáng suốt. Sự căm hờn trói buộc con người, thương yêu làm cho con người được thanh thản. Căm hờn làm mất bình tĩnh, thương yêu làm cho con người được bình tĩnh. Căm hờn dẫn đến chia rẽ, thương yêu đem lại sự hòa hợp. Căm hờn là thô bạo, thương yêu là dịu dàng. Lòng căm hờn có những ảnh hưởng xấu, còn tình thương yêu đem đến nhiều lợi ích như thế, cho nên chúng ta hãy cố gắng nuôi dưỡng cho tình thương yêu trong ta thêm lớn mạnh.
(Trích từ báo “Giác Ngộ”)
VEN. K. RI DHAMMANANDA – trích từ cuốn “what Buddhists believe” (Minh Nguyên dịch).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét